Tin Dầu khí
Thủ tướng với lãnh đạo PVN: Cuộc gặp gỡ đặc biệt
Vào những ngày thu tháng 9 của năm 2017, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) phải hứng chịu những cơn sóng gió lớn chưa từng có.

Áp lực từ những khó khăn của thị trường dầu khí thế giới, sức ép từ cạnh tranh khốc liệt, từ vướng mắc về chính sách chưa được tháo gỡ; đặc biệt là dư luận tiêu cực của xã hội về sai phạm của một vài cán bộ chủ chốt trong Tập đoàn…, tất cả hợp lại thành “cơn dông tố” trong tâm trí của tập thể gần 60 nghìn người lao động chân chính.

Những người làm báo của ngành Dầu khí chúng tôi đã có cơ hội được tiếp cận với nhiều thế hệ người lao động, các cấp lãnh đạo, mọi mặt hoạt động trong ngành Dầu khí, chứng kiến đầy đủ và hòa mình vào mọi diễn biến, mọi cảm xúc trong cơn sóng dữ này. Ở đó, chúng tôi đã nghe được không ít tiếng thở than chua xót, cảm nhận được những nỗi ủy khuất, đã nhìn thấy những giọt lệ đắng cay của cán bộ lão thành nghẹn ngào rơi xuống…

Báo chí và mạng xã hội ngập tràn các thông tin tiêu cực về Tập đoàn, rồi ngờ vực, trách cứ, quy kết, thậm chí lên án, luận tội người kia, việc nọ... Một không khí căng thẳng bao trùm khiến tốt xấu trở nên khó minh định, công đạo bị lu mờ.

May mắn thay, vào thời điểm cam go này, chúng tôi lại được chứng kiến một sự kiện hệ trọng khác. Ngày 12-10 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã có một cuộc gặp gỡ rất đặc biệt với những lãnh đạo của Tập đoàn.



Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo PVN 

Đặc biệt vì Thủ tướng và các Bộ trưởng muốn trực tiếp lắng nghe, muốn chia sẻ, động viên khích lệ, muốn chuyển những chỉ đạo, kỳ vọng của Đảng và Nhà nước, của Chính phủ đến tập thể người lao động Dầu khí theo cách sát sao, trực diện nhất, cụ thể nhất và có lẽ là thân tình nhất.

Đặc biệt hơn ở chỗ, tại cuộc gặp đó, mọi sự khách khí, câu nệ dường như được gỡ bỏ, những cán bộ lãnh đạo Tập đoàn đã được giãi bày tất cả những lời “gan ruột”, được thổ lộ mọi tâm tư, tình cảm, được thẳng thắn nói rõ về những khó khăn vướng mắc đang phải gánh chịu và đề đạt nguyện vọng chính đáng của mình.

Cuộc gặp được tổ chức ngay trước Ngày Doanh nhân Việt Nam, đây thực sự là món quà tinh thần vô cùng quý giá, trân trọng, cảm động, kịp thời, kịp lúc đối với người lao động Dầu khí.

Thủ tướng khẳng định, ngành Dầu khí luôn đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đóng góp rất lớn cho ngân sách Nhà nước. Đảng và Nhà nước cũng luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho Tập đoàn bằng việc đề ra nhiều chiến lược, quy hoạch, nghị quyết cho sự phát triển của ngành. Thủ tướng cũng luôn theo sát mọi hoạt động của Tập đoàn, thấu hiểu những khó khăn mà Tập đoàn đang gặp phải, kể cả những “chuyện không vui”.

Biết rõ những thông tin bất lợi đang ảnh hưởng xấu đến uy tín của Tập đoàn, tâm lý lo lắng bất an trong đội ngũ CBCNV Dầu khí, người đứng đầu Chính phủ đã chuyển lời thăm hỏi động viên của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến lãnh đạo và toàn thể người lao động của Tập đoàn và đồng thời với việc sẵn sàng ủng hộ, dặn dò “trong khó khăn, càng phải vững vàng”, đã đặt ra câu hỏi đối với Đảng bộ, lãnh đạo Tập đoàn: “Chúng ta có đủ bản lĩnh để vượt lên không?”.

Thay mặt lãnh đạo Tập đoàn, Tổng giám đốc Nguyễn Vũ Trường Sơn đã báo cáo với Thủ tướng kết quả sản xuất - kinh doanh của Tập đoàn trong 9 tháng năm 2017. Trong khó khăn chồng chất, người lao động Dầu khí vẫn nỗ lực hoàn thành hầu hết các chỉ tiêu sản xuất - kinh doanh được đề ra và cao hơn cùng kỳ năm 2016, nộp ngân sách Nhà nước vượt 21% kế hoạch.

Đó là văn hóa, là bản lĩnh truyền thống của các thế hệ những người “đi tìm lửa”, hơn nửa thế kỷ qua, bất kỳ thử thách nào cũng không làm người Dầu khí gục ngã. Người đứng đầu Tập đoàn cũng khẳng định với Thủ tướng, sẽ không phụ niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân, sẽ đoàn kết, chung sức, chung lòng để tiếp tục tiến về phía trước với danh dự và truyền thống tự hào của một tập thể Anh hùng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Phải tập trung củng cố để xây dựng hình ảnh, uy tín, thương hiệu cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Không chỉ Thủ tướng mà các cấp, các ngành cũng phải cùng xây dựng thương hiệu, uy tín cho Tập đoàn”.

Phải nói rằng, tâm tư của người lao động Dầu khí đang bị tác động nặng nề do việc thanh tra, điều tra vụ án… xảy ra liên tục thời gian qua. Cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, cộng thêm dư luận sai lệch, quy chụp... đã khiến tâm trạng trì trệ, chán nản, hoang mang, sợ trách nhiệm lây lan. Người lao động, đặc biệt là những cán bộ lão thành từng một đời cống hiến tâm sức cho ngành Dầu khí bị tổn thương sâu sắc.

Cần hiểu rằng, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam không có lỗi, người lao động Dầu khí không có lỗi. Một số cá nhân mắc sai phạm sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Bất cứ vì lý do gì, ngành Dầu khí vẫn sẽ phải tồn tại và phát triển cùng đất nước. Tập đoàn hiện đang duy trì nhiều hoạt động sản xuất - kinh doanh quan trọng, hợp tác với nhiều đối tác và nhà đầu tư quốc tế. Vì vậy, mỗi cái nhìn phiến diện, thiếu công tâm, mỗi đánh giá thiếu thận trọng, thiếu khách quan đối với Tập đoàn không chỉ ảnh hưởng xấu cho riêng ngành Dầu khí mà sẽ tổn hại chung cho cả nền kinh tế quốc gia.

Sự quan tâm của Thủ tướng vào lúc này giống như tiếp thêm sức mạnh hỗ trợ Tập đoàn đứng vững trước “phong ba”, khơi dậy nhiệt huyết và củng cố niềm tin nơi người Dầu khí. Đặc biệt, Thủ tướng đã xác định: “Phải tập trung củng cố để xây dựng hình ảnh, uy tín, thương hiệu cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Không chỉ Thủ tướng mà các cấp, các ngành cũng phải cùng xây dựng thương hiệu, uy tín cho Tập đoàn”.

Những người làm báo Dầu khí đã và sẽ tiếp tục đồng hành, theo sát để kịp thời thông tin, tuyên truyền mọi hoạt động của ngành Dầu khí một cách hiệu quả và có ý nghĩa nhất, trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào.

Theo PVN.VN